***
Ngày nhỏ, tôi là một con nhóc hiếu động và nghịch ngợm. Suốt ngày tôi rong ruổi theo chơi cùng bọn con trai cùng xóm bày ra đủ trò quậy phá, đôi khi còn thích gây gổ và bắt nạt người khác. Đứa hay bị lũ chúng tôi bắt nạt nhất là Thành, nhà nó gần nhà tôi cách khoảng ba bốn cái nhà gì đó. Nghe đâu nhà Thành nghèo lắm, ba thì suốt ngày rượu chè cờ bạc, mẹ nó một mình vất vả làm lụng nuôi hai anh em nó. Thành có nước da đen sạm, mái tóc vàng hoe khét nắng, vầng trán cao và đôi mắt sáng. Tính tình nó lại hiền lành, ít nói, lúc nào cũng lầm lầm lì lì hiếm khi chơi với ai trong xóm nên thường bị mấy đứa khác trêu chọc.
Một hôm, tôi rủ mấy đứa con trai chơi trò ném tổ chim ở tít trên ngọn cây cao. Ném hoài mà chẳng trúng, tôi điên tiết nhặt lấy một viên đá to dang thẳng tay ném thật mạnh. Bỗng, bốp! Một tiếng la thất thanh vang lên, thì ra hòn đá bay thẳng vào đầu Thành vừa đúng lúc nó đi ngang qua, Thành lấy hai tay ôm đầu khóc thét. Trời ơi, máu! Máu chảy ra từ đầu nó lênh láng. Cả lũ hoảng hốt bỏ chạy tán loạn, tôi cũng cắm đầu chạy thẳng về nhà không dám ngoảnh lại.
Chiều hôm đó, mẹ tôi đi làm đồng về biết chuyện đánh tôi một trận nhớ đời vì tội nghịch dại, còn bắt tôi sang nhà Thành xin lỗi nó. Nó phải khâu bốn mũi trên trạm xá, má tôi xin chịu tiền thuốc men nhưng má nó không nhận. Tôi bẽn lẽn bước đến xin lỗi Thành và thầm cảm tạ trời đất khi nó chịu tha lỗi cho tôi, nó bảo không trách ai trong chúng tôi.
Từ hôm đó, lũ chúng tôi thôi không ức hiếp Thành nữa, tôi đề nghị cho nó chơi cùng. Thành bắt đầu hòa đồng hơn. Nó thường nghĩ ra nhiều trò hấp dẫn, mới lạ chơi không bao giờ chán nên mấy đứa xóm tôi ai cũng thích chơi với nó.
Rồi tôi vào học lớp Một ở trường làng. Tôi học chung lớp, ngồi chung bàn với Thành. Nhà nó nghèo đến nỗi không mua nổi que tính và thước ê-ke, nó hay mượn dùng đồ của tôi. Vậy mà nó rất giỏi Toán và biết tính nhẩm khá nhanh. Cô giáo khen nó thông minh, còn bảo nó kèm tôi học vì tôi khá kém môn Toán. Thế là ban sáng đi học, buổi chiều ba má đi vắng cả, tôi sang nhà học chung với nó. Sáng nào nó cũng sang rủ tôi đi học, khi về tôi và nó lại cùng nhau đạp xe suốt quãng đường đất đỏ gập ghềnh quanh co, chuyện trò nói cười ríu rít.
Thấm thoắt chúng tôi đã lên cấp Hai, tôi vẫn học chung lớp với Thành nhưng không ngồi chung bàn với nó nữa. Tôi chẳng còn là con bé lì lợm, hay phá phách của ngày nào, tôi đã lớn và trở nên nữ tính, dịu dàng hơn. Tôi bắt đầu biết chăm chút cho bản thân, tôi không cắt tóc ngắn củn cỡn như xưa mà nuôi mái tóc dài suôn óng xõa ngang vai. Tôi cũng ít chơi với Thành hơn, phần vì cả hai đứa đều bận học nên không có nhiều thời gian cho nhau, phần vì giờ đây tôi đã có thêm những người bạn mới. Những lúc rảnh, nó hay gặp tôi tâm sự chuyện gia đình nó. Nó kể dạo này trong nhà thường xuyên có tiếng cãi nhau, ba nó ngày càng lún sâu vào cờ bạc, nhậu nhè be bét tối về lại lấy hết tiền của má nó, lắm lúc còn đánh má nó, đánh cả anh em nó nữa. Tôi rất cảm thương cho nó nhưng cũng chỉ biết lựa lời động viên, an ủi nó ngoài ra chẳng thể làm gì hơn. Tôi rủ nó lên đồi thông, mỗi lần một trong hai đứa có chuyện buồn lại chạy như bay lên đó, đứng trên đỉnh đồi và cùng nhau hét thật to để giải tỏa trong lòng bao sầu muộn. Đôi khi cả hai cứ thích ngồi im lặng một lúc lâu, lắng nghe vi vu tiếng gió thổi ngang tai, xô những dải mây trời cuồn cuộn mà thấy lòng mình thanh thản lạ thường như vừa trút đi được bao gánh nặng.
Có lẽ tình bạn giữa tôi và nó sẽ không bao giờ thay đổi nếu như không có một ngày... Một ngày tháng Tám giữa mùa thu, trên ngọn đồi thông lộng gió. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ vẻ mặt cương nghị và ánh mắt chân thành, quả quyết của nó khi nó nói với tôi:
- Hằng à, tui đã định sẽ giấu kín chuyện này mãi mãi nhưng tui không thể. Tui thích bà, thích bà nhiều lắm Hằng ạ! Tui đã định sẽ mãi chỉ xem bà là đứa bạn thân nhất của tui thôi, và tui ngàn lần ước như thế, vạn lần ước như thế, nhưng tui không thể, không thể...
Chưa nói hết câu nó đã vội quay mặt đi và bỏ chạy. Còn tôi thì chỉ biết đứng như trời trồng, há hốc mồm nhìn theo cái bóng nó liêu xiêu nhỏ dần, nhỏ dần trong ánh hoàng hôn từ từ khuất sau đỉnh núi.
Tôi về nhà khi trời đã nhá nhem tối, cả đêm hôm đó không tài nào ngủ được. Thành thích tôi ư? Những gì tôi vừa tận tai nghe hồi chiều là sự thật ư? Làm sao thằng bạn chơi với tôi từ những ngày còn cởi truồng tắm mưa, tắm suối cùng nhau, từ những ngày cả hai cùng vào lớp một phồng mồm tập đọc chữ A, chữ O cùng nhau lại thích tôi được? Tại sao trước giờ tôi không hề nhận ra được tình cảm của nó? Là nó che đậy cảm xúc của mình quá giỏi hay là vì tôi quá dại khờ mà vô tình không nhận thấy? Hàng ngàn câu hỏi cứ xoáy trong đầu tôi, tôi không tin, không thể tin. Nhưng tôi dám chắc rằng, từ giờ tôi không thể xem nó là bạn như trước kia được nữa...
Những ngày sau đó, tôi liên tục tránh mặt Thành, lảng tránh những cuộc nói chuyện với nó. Tôi không lên đồi thông nữa, không sang nhà nó nhờ giảng hộ bài, không đi về cùng nó nữa. Dù làm vậy rất khó chịu, nhưng tôi thật sự không còn dũng khí đối mặt với nó, không đủ can đảm nói chuyện với nó. Có lẽ nó cũng biết tôi cố tình né tránh nên nó cố gắng không xuất hiện trước mặt tôi vì sợ tôi khó xử. Giờ ra chơi, nó ít khi ra khỏi lớp, ánh mắt buồn của nó cứ nhìn xa xăm vào khoảng không vô định. Tôi vẫn cố tỏ ra bình thường, nói cười vui vẻ với đám bạn mới. Vậy là vô tình giữa chúng tôi đã tạo nên một khoảng cách khó mà hàn gắn được.
Mấy ngày gần đây, Thành hay đến lớp với khóe mắt thâm quầng, đỏ mọng. Nó khóc ư? Có lẽ gia đình nó lại xảy ra chuyện buồn.Tôi cũng muốn chạy đến bên hỏi thăm nó, chia buồn cùng nó nhưng rào cản vô hình của sự mặc cảm đã vô tình kéo chúng tôi ngày càng ra xa hơn.
Rồi đột nhiên Thành nghỉ học. Ba, bốn ngày liền không thấy Thành đến lớp, ruột gan tôi như có lửa đốt. Trước giờ nó rất ham học, lại ít khi đau ốm đến mức bỏ học mấy ngày liền. Đi học về, tôi hấp tấp chạy như bay sang nhà nó. Bấy giờ tôi mới hay tin ba mẹ Thành đã chia tay, ba nó cờ bạc nợ nần chống chất phải bán nhà về ở quê nội nó ngoài Bắc, mẹ Thành túng quẫn phải dẫn hai anh em nó vào Nam sinh sống.
Tôi như có sét đánh ngang tai, sống lưng lạnh buốt. Những chuỗi kí ức ngày xưa giữa tôi và nó bất chợt ùa về như một cuốn phim quay chậm. Thành đã đi rồi sao? Nó đi mà không cho tôi hay, không tạm biệt tôi một tiếng sao? Nó đi bao giờ, đi đâu, sao nó không hề cho tôi biết? Không, tôi nhớ lại những ngày qua, có đôi lần nó đưa đôi mắt đượm buồn nhìn chằm chằm về phía tôi như muốn nói điều gì đó, nhưng có lẽ thấy tôi vội vàng quay đi nên nó lại thôi. Là tôi, là tại tôi quá vô tâm đã không nhìn thấy được sự đau đớn tuyệt vọng trong ánh mắt nó, là tôi đã không cho nó cơ hội nói những lời cuối cùng trước khi ra đi.
Tôi bước lên đồi thông, lần đầu tiên tôi đến nơi đây một mình với nỗi lòng nặng trĩu. Gió vẫn ngân lên khúc nhạc đồng quê muôn thuở, trời vẫn trong, vẫn xanh cao vời vợi, nhắm mắt lại tôi thấy Thành đang ngồi cạnh tôi như vừa mới hôm qua, hôm kia đây thôi. Cảnh vật tưởng như quá quen thuộc giờ đây đã lùi vào dĩ vãng, tất cả mãi chỉ là kỉ niệm, tôi đã mất Thành, đánh mất đi một tình bạn trong nỗi ân hận, hối tiếc muộn màng... Tôi muốn hét gọi tên Thành thật lớn, hét cho nỗi buồn trong lòng vơi đi, nhưng sao cổ gọng nghẹn ứ, có cái gì đó chẹn cứng ở cổ. Mắt tôi bỗng cay xè, là vì gió làm cay mắt hay vì nước mắt đang chảy ngược vào chính con tim?
Thời gian cứ thế trôi đi theo guồng quay của tạo hóa, việc học lu bù khiến Thành dần bị lãng quên, những khoảng trống trong lòng tôi cũng dần được lấp đầy. Tôi lên cấp Ba rồi vào Đại học, xa nhà lên học ở Sài Gòn. Cuộc sống sinh viên bận rộn cùng sự ồn ào nơi phố thị buộc tôi phải tập thích nghi. Tôi ít có dịp về quê, mỗi lần về lại một mình lên đồi thông để gió ru tâm hồn mình vào khoảng lặng, cuốn đi mọi ưu phiền buồn bực của cuộc sống, để tìm lại chút cảm giác bình yên và thấy thời gian như trôi chậm lại.
Sáng Chủ Nhật, tôi đi uống cafe cùng với mấy người bạn ở một quán nhỏ ven đường. Đang ngồi nhâm nhi vị đắng của tách cafe đọng nơi đầu lưỡi nhìn ra dòng người tấp nập ngoài đường qua khung cửa kính và thả hồn mình theo những suy nghĩ vu vơ, bỗng tôi giật mình nghe tiếng rao bán cà-rem bằng chất giọng đặc trưng của quê tôi - Bình Định. Đập vào mắt tôi là một thanh niên với vóc dáng cao gầy, làn da rám nắng, mái tóc hoe vàng đang nặng nhọc đạp xe cà-rem vừa cất giọng khàn khàn rao bán. Là Thành! Phải, chính là Thành, nó có biến thành tro tôi cũng không thể lẫn với bất cứ ai khác. Tôi lao thẳng ra cửa như tên bắn chạy theo chiếc xe cà-rem ấy, vừa chạy vừa gọi to:
- Thành, Thành ơi...! Thành ơi, chờ với!
Thành dừng xe, quay đầu nhìn lại. Tôi vẫn không ngừng hét lớn:
- Là Hằng đây! Thành ơi chờ Hằng với...
Tôi vừa chạy vừa thở hổn hển, sắp chạy đến nơi rồi thì Thành bất ngờ quay xe lao đi, nó đạp nhanh đến nỗi loáng cái đã mất hút vào dòng người đông đúc.
Tôi khựng lại nhìn theo hướng Thành mất hút, nước mắt chỉ chực trào ra. Trong suốt những ngày qua tôi cũng đã phần nào đoán ra được cuộc sống của nó nơi đất khách quê người khổ cực thế nào, trong khi tôi được học hành đàng hoàng để vào Đại học thì nó lại phải vất vả lăn lộn với cuộc sống, hằng ngày đạp xe dạo khắp các phố phường Sài thành đi bán cà-rem kiếm sống. Thật xót xa, nó ngay lập tức quay đầu bỏ chạy khi vừa nhận ra tôi, nó không biết rằng tôi đã khát khao muốn gặp lại nó đến nhường nào, tôi nợ nó một lời xin lỗi. Tại sao nó không chịu cho tôi một cơ hội cuối cùng để chuộc lại những lỗi lầm của ngày xưa, dẫu đã muộn màng?
Khép lại rồi những tháng ngày của quá khứ, giá mà ngày đó tôi đủ can đảm bước đến nói rõ ràng mọi chuyện với nó, tôi biết quan tâm nó nhiều hơn, tôi không tránh mặt mà ở bên nó trong những ngày cuối cùng trước lúc nó ra đi, thì có lẽ giờ đây khi vô tình chạm mặt nhau giữa dòng đời tấp nập, nó đã không vội vã quay đi như chưa từng quen, như một người hoàn toàn xa lạ...
Tiếng nhạc quen thuộc vọng sang từ quán cafe gần đó:
"We had joy, we had fun, we had seasons in the sun... But the hills that we climbed, were just seasons out of time..."
Sài Gòn. Một ngày tháng Tám giữa trời thu...
nguồn: truyenngan.com.vn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét