Công văn ra ngày 28/7 do Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường nêu rõ, trong những năm qua, các hãng bia có nhà máy sản xuất trên địa bàn có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Nghệ An, chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách địa phương.
Tuy vậy, tình hình tiêu thụ sản phẩm bia sản xuất trên địa bàn chưa tương xứng với năng lực sản xuất của nhà máy, doanh nghiệp phải vận chuyển bia đi tiêu thụ ở các tỉnh khác làm tăng giá thành sản phẩm, gây ùn tắc giao thông, lãng phí cho xã hội, thu hụt ngân sách tỉnh.
Nhằm cải thiện tình hình cho doanh nghiệp ổn định thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, UBND tỉnh yêu cầu sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện thị xã, thành phố, các tổ chức tăng cường công tác tuyên truyền vận động đơn vị trực thuộc, cán bộ công chức và người dân hành động cùng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn.
"Đặc biệt, trong các buổi tiếp khách hội nghị, hội thảo có sử dụng ngân sách theo quy định được sử dụng đồ uống thì phải ưu tiên dùng sản phẩm đồ uống trong tỉnh như bia Hà Nội, Sài Gòn", công văn nêu rõ. UBND tỉnh cũng đề nghị Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, ủy ban huyện, thành thị xã ưu tiên các điểm quảng cáo thu hút đông người để quảng bá sản phẩm bia sản xuất trên địa bàn.
Cuối công văn, UBND tỉnh yêu cầu các giám đốc sở ban ngành, chủ tịch các huyện thị, thành phố quán triệt tốt chủ trương này, hàng tháng, quý, năm báo cáo bằng văn bản cho tỉnh về việc thực hiện.
Trao đổi với VnExpress, ông Trung Thành Công (Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Nghệ An), cho biết, công văn mang tính chất vận động và đã gửi cho tất cả sở ban ngành, UBND các huyện, thị xã trên địa bàn.
Theo ông Công, hàng năm các doanh nghiệp sản xuất bia trên địa bàn đóng góp ngân sách chiếm khoảng 1/7 ngân sách toàn tỉnh. Như năm 2013, nhà máy bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh nộp ngân sách 152 tỷ đồng; Sài Gòn - Sông Lam 560 tỷ đồng; bia Hà Nội 330 tỷ đồng. Trong khi đó ngân sách toàn tỉnh chỉ khoảng 7.000 tỷ đồng. Vài năm gần đây, tình hình tiêu thụ của các doanh nghiệp có dấu hiệu sụt giảm sản lượng, làm giảm ngân sách tỉnh. Sở Công Thương đã báo cáo lên tỉnh về vấn đề này. "Sau khi nhận thấy khó khăn của doanh nghiệp, tỉnh ra công văn để góp sức hỗ trợ doanh nghiệp là đúng đắn, không có gì sai. Tỉnh chủ động ra công văn chứ không hề có đề nghị từ phía doanh nghiệp”, ông Công nói.
Vị phó chánh văn phòng bác bỏ ý kiến cho rằng công văn này quảng bá cho các sản phẩm. "Nếu tỉnh không tác động, ra lời vận động là không làm tròn trách nhiệm với nhà đầu tư, không 'thủy chung'. Vì trước đó dự án vào, tỉnh đã cam kết với nhà đầu tư. Quá trình hoạt động họ gặp khó khăn mà mình buông thì mình thiếu trách nhiệm”, ông Công nói.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết "chưa từng thấy công văn nào lạ như thế". 63 tỉnh thành đang xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện chính sách quốc gia về hạn chế lạm dụng rượu bia. Nhiều tỉnh đã có chỉ thị cán bộ công chức, viên chức không được sử dụng rượu bia trong giờ làm việc, buổi trưa.
Theo ông Quang, việc UBND tỉnh Nghệ An (trước đó là UBND huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) ra văn bản như thế là "bất thường và không đúng với vai trò của chính quyền" bởi uống cái gì là quyền tự do của người dân. Huyện, tỉnh ra văn bản vận động chỉ dùng bia của các hãng sản xuất trên địa bàn là dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh khi dùng văn bản hành chính để tác động người dân tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp cụ thể.
Là người chắp bút xây dựng dự thảo luật Phòng chống tác hại của rượu bia, vụ trưởng Pháp chế cho rằng, tác hại của rượu bia là rất rõ ràng, như lãng phí, bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội; phát triển các bệnh liên quan đến tiêu hóa, tâm thần, tim mạch, tai nạn giao thông. Vì thế, trong lúc người dân và cơ quan nhà nước đang kiểm soát tình trạng lạm dụng rượu bia, uống phải có kiểm soát, tự điều chỉnh hành vi thì việc chính quyền đưa văn bản khuyến khích sử dụng rượu bia là trái với tinh thần của chính sách quốc gia về phòng chống tác hại rượu bia, vô hình chung khuyến khích người dân sử dụng.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao thứ 3 tại châu Á (sau Nhật Bản và Trung Quốc) với khoảng 3 tỷ lít bia trong năm 2013. Trong 10 năm qua tốc độ tiêu thụ bia của người Việt Nam đã tăng hơn 200%.
Rượu, bia đứng trong số 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất toàn cầu. Tại Việt Nam, thống kê của Viện Chiến lược chính sách y tế cho thấy, có 4,4% người dân phải gánh chịu bệnh tật do hậu quả của rượu, bia.\
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét