Để bắt được 10 con chim sáo, anh Hoàng Văn Tuyên (47 tuổi, xã vùng cao Nam Tuấn, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) phải miệt mài suốt 4 ngày leo lên các vách núi đá dựng thẳng đứng, cao "bằng mấy tòa nhà ở Hà Nội chồng lên". Anh ví von, nếu rơi từ trên đó, chẳng khác nào quả trứng gà bị ném xuống đường bê tông. Tuy nhiên, để có thêm tiền cho con xuống Hà Nội thi, người cha dân tộc Tày chẳng ngại nguy hiểm. Với 10 con sáo, anh Tuyên tính sẽ bán được chừng 3 triệu đồng. Cùng với 2 triệu tiền mặt gom góp của gia đình, anh Tuyên nghĩ sẽ đủ lo chi phí thi cử cho con trong 10 ngày.
Con trai lớn của anh Tuyên là Hoàng Đức Hạnh năm nay thi khối A vào khoa Luật, trường Kinh tế quốc dân và khối B vào đại học Tài nguyên môi trường.
|
Người cha dân tộc Tày (Cao Bằng) Hoàng Văn Tuyên và con trai Hoàng Văn Hạnh được ăn ở miễn phí trong ký túc xá đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Trang.
|
Trước đó, anh tính sẽ lấy tiền bán được từ vụ thu hoạch cây thuốc cho con đi thi. Tuy nhiên vì rớt giá, đến giờ chưa ai thu mua loại nông sản này cho gia đình. "Nếu bán được vụ thuốc lá, tôi cũng có ít tiền cho con xuống Hà Nội nhưng năm nay hàng ế ẩm quá. Gom hết tiền mặt trong nhà chỉ được 2 triệu đồng. Suy tính mãi, cuối cùng tôi nghĩ ra cách bắt ít chim sáo xuống thủ đô bán kiếm ít tiền phụ cho con", anh Tuyên tâm sự.
Kinh tế gia đình anh Tuyên trông chờ vào 3.000 m2 ruộng bậc thang, vụ cấy lúa, vụ trồng cây thuốc lá. Nếu bán được cây thuốc, anh sẽ có khoảng 15 triệu đồng để lo cho 4 miệng ăn và 2 con học lớp 8 và lớp 12 trong khoảng một năm. Chi trả mọi thứ cho gia đình, vợ chồng anh Tuyên tích cóp được ít tiền để mua con trâu, con bò về nuôi. "Nếu con đỗ đại học, bán đôi trâu bò ấy đi, tôi sẽ có tiền đóng học phí cho cháu", anh Tuyên nói.
Gia đình anh hiện sống trong ngồi nhà đắp đất lợp ngói proximăng mà những ngày hè ngồi trong đó không khác gì giữa chảo lửa. Anh Tuyên bảo, "lấy tiền xây nhà đẹp mà con không được học hành thì cũng để làm gì đâu. Đời tôi đã ít được đến trường, phải sống khổ nên giờ chỉ mong con đỗ đạt, có công ăn việc làm tốt và thoát ly, thoát nghèo". Thứ giá trị nhất trong ngôi nhà anh là chiếc tivi để hai con giải trí và nắm bắt thông tin thời sự.
|
Anh Tuyên lấy hộp giấy làm lồng cho khách mua chim sáo. Ảnh: Quỳnh Trang.
|
Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, cậu con trai Hoàng Văn Hạnh cũng chăm chỉ cày bừa, làm thuốc lá giúp bố mẹ. Hạnh bảo, công việc đồng áng em đã làm từ ngày bé. Mùa thu hoạch thuốc lá, cứ 5h sáng em sẽ theo bố mẹ ra ruộng hái lá rồi mang về thái, sấy… "Làm thuốc lá vất vả, nóng bức lắm nên cứ vụ mùa người xã em phải vào viện truyền nước nhiều", Hạnh nói.
Công việc bắt chim mang xuống Hà Nội bán, thí sinh này cũng thi thoảng tham gia cùng bố. Đôi bàn tay của hai cha con chai sạn vì phải kéo chiếc ròng rọc dây thừng to bằng cổ tay để đưa một người từ dưới đất lên đỉnh ngọn núi. Cổ chân của họ cũng đầy vết xước sẹo bởi va đập vào đá khi leo trèo bắt chim.
Lần đầu xuống thủ đô, bố con anh Tuyên chẳng thể hình dung mình sẽ ăn ngủ ở đâu. "Tôi lo lắng, lúng túng lắm nhưng may mắn vừa xuống xe, đã được các tình nguyện viên giúp đỡ đưa vào ký túc xá đại học Kinh tế quốc dân trọ. Nhà trường cho bố con tôi ăn, ở miễn phí và tặng quà hỗ trợ. Tôi cảm ơn lắm tình cảm của thầy cô và các sinh viên", anh Tuyên bày tỏ.
|
Cha con anh Tuyên và nhiều thí sinh có hoàn cảnh khó khăn được GS.TS Phạm Quang Trung - Phó hiệu trưởng trường Kinh tế quốc dân cùng thầy cô trong ban lãnh đạo đến thăm hỏi và tặng quà. Ảnh: Quỳnh Trang.
|
10 chú chim sáo của anh đã được các thầy cô trong trường và một số cá nhân khác mua với tổng số tiền thu được là 3,5 triệu đồng.
Con thi xong đợt một và tìm chỗ trọ cho con thi đợt hai tại đại học Tài nguyên môi trường (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), anh Tuyên dự định sẽ trở về Cao Bằng trước để giúp vợ cấy 3.000 m2 ruộng
.
theo:vnexpress
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét